Những bằng chứng cho thấy não bạn có khả năng siêu phàm

Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015
Nếu có ai đó nói với bạn rằng: “Bộ não là một cỗ máy siêu phàm”, bạn có tin không? Có người tin nhưng chắc chắn cũng có người sẽ hoài nghi bởi đâu là căn cứ để kết luận điều ấy? Não bộ điều khiển hoạt động của cơ thể nhưng xét cho cùng chúng cũng chỉ là một cơ quan mà thôi?
Suy nghĩ ấy chắc chắn sẽ thay đổi, sau khi bạn biết tới những siêu năng lực chỉ não bộ mới có dưới đây.
1. Bạn chỉ mệt khi não nghĩ như vậy
Ai cũng biết cơ thể con người là một cỗ máy vận hành hoàn hảo. Tuy nhiên, khi mệt mỏi thì cỗ máy cũng cần nghỉ ngơi, đó là điều tất yếu. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới đây lại chỉ ra, chúng ta thực ra chỉ mệt mỏi khi trí não cho phép như vậy. Nói cách khác, bạn chỉ thấy rã rời chân tay, uể oải khi bạn nghĩ rằng mình đang mệt.
Để kiểm chứng, các khoa học gia tại Đại học Colorado đã thực hiện thí nghiệm bằng cách kết nối tình nguyện viên với một cỗ máy khi đang ngủ. Họ nói rằng cỗ máy này dõi theo và xác định giấc ngủ REM (Rapid eyes movement) – giai đoạn quyết định mức độ nghỉ ngơi trong khi thực tế đó chỉ là dụng cụ đo sóng não thông thường.
Sau khi tình nguyện thức dậy, họ được phân ngẫu nhiên vào 2 nhóm. Các chuyên gia sẽ “lừa” một nhóm rằng giấc ngủ của họ đã đạt tới REM và mức độ nghỉ ngơi đạt hiệu quả cao, nhóm còn lại bị nói rằng họ đã ngủ không ngon giấc nên vẫn còn mệt mỏi. Tiếp đó, cả hai nhóm phải thực hiện một bài kiểm tra mức độ nhận thức.
Kết quả là, nhóm nghĩ rằng mình ngủ hiệu quả hơn cho điểm số tốt hơn hẳn so với nhóm còn lại. Hay nói cách khác, suy nghĩ có giấc ngủ tốt đã thực sự giúp cho não bộ hoạt động tốt hơn. Các chuyên gia khuyên rằng, việc phàn nàn và suy nghĩ tiêu cực sẽ không giúp ích gì mà chỉ khiến cơ thể mệt mỏi thêm.
2. Suy nghĩ tích cực khiến mắt bạn tinh hơn
Theo thống kê, người bình thường có xu hướng kỳ vọng vào việc đọc được 2/3 số ký tự trên bảng đo thị lực. Tuy nhiên, kết quả thí nghiệm của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Harvard đã khiến nhiều người bất ngờ.
Các nghiên cứu viên “chế” ra một bảng đo thị lực khác, với các ký tự nhỏ hơn so với bảng đo thông thường, rồi sử dụng nó để đo thị lực cho một số đối tượng. Các đối tượng này không hề biết sự khác nhau giữa hai bảng đo thị lực và vẫn giữ nguyên suy nghĩ và kì vọng của bản thân.
Kết quả thật đáng ngạc nhiên, các ứng viên vẫn hoàn thành được khoảng 2/3 bảng thị lực như bình thường. Bằng một cách nào đó, mắt họ đã nhìn được những kí tự nhỏ hơn mà đáng lẽ không thể nếu kiểm tra với bảng thị lực thông thường.
Trong một thí nghiệm khác, các ứng viên tham gia huấn luyện phi công chiến đấu đã thực hiện tốt hơn bài đo thị lực khi được “đóng giả” phi công - những người có tầm nhìn đặc biệt tốt.
Điều đó có nghĩa, chỉ cần duy trì suy nghĩ và kì vọng tích cực, hoặc hành động giống như một đối tượng có thị lực tốt cũng có thể đánh lừa thị giác giúp đôi mắt tinh tường hơn.
3. Niềm tin của não thay đổi cơ thể bạn
Bạn có tin rằng não nghĩ điều gì thì điều đó sẽ trở thành hiện thực không? Nếu không thì chắc chắn bạn sẽ phải thay đổi quan điểm ngay sau đây bởi đó là điều mà khoa học đã kiểm chứng.
Theo đó, các nhà nghiên cứu đã tiến hành một thí nghiệm với một số nhân viên dọn phòng khách sạn. Họ được phân thành 2 nhóm làm việc, một nhóm được bảo rằng công việc này tương đương các bài thể dục hữu hiệu và một nhóm không được tiết lộ gì.
Sau khi 2 nhóm làm việc , nhóm có thông tin cho kết quả rất khả quan: tỉ lệ mỡ trong cơ thể giảm đi đáng kể và vượt trội so với những nhóm còn lại.
Chưa hết, nghe tưởng như không thể, nhưng nếu một phụ nữ tin rằng mình đang có thai, những triệu chứng “ảo” của thai kỳ có thể xuất hiện. Câu chuyện của bác sĩ John Radebaugh là một ví dụ điển hình.
Ông được gọi đến giúp một phụ nữ đang trong giai đoạn sắp sinh. Trong quá trình đỡ sản phụ lên xe lăn, nước ối của cô bị vỡ, và bác sĩ phát hiện ra sự thực rằng cô ta… chưa bao giờ mang thai.
Đó là hiện tượng pseudocyesis - sự thụ thai giả. Hiểu một cách đơn giản, khi não bộ nghĩ rằng mình có thai, cơ thể sẽ sản xuất hormone giống hệt như khi đang mang thai, như bụng nở, ốm nghén, và thậm chí có thể… đánh lừa que thử thai.
4. Mọi thứ đều tốt đẹp nếu như não nghĩ vậy
Người xưa từng có câu “của rẻ là của ôi”, hoặc “đắt xắt ra miếng”. Tuy rằng câu nói này dựa trên quy luật “cung cầu” và chất lượng sản phẩm, nhưng dựa theo “hiệu ứng giả dược” (placebo effect), các nhà nghiên cứu kết luận rằng đó là một sự thật khoa học.
Một nghiên cứu từ học viện MIT (Mỹ) cho biết khi mua đồ với giá cao, chúng ta luôn có kỳ vọng vào tác dụng của nó, và bằng cách nào đó não bộ… biến chúng thành sự thật.
Chẳng hạn với hai đôi giày có cùng chất lượng nhưng khác nhau giá bán, chắc chắn đôi giày đắt hơn sẽ bền hơn. Hay một viên thuốc giảm đau giá 10.000 đồng có thể tác dụng hơn thuốc cùng loại nhưng có giá 1.000 đồng. Vì sao ư? Tất cả là vì não bộ nghĩ như vậy!
Theo trí thức trẻ
Chia sẻ bài viết ^^
Other post

All comments [ 0 ]


Your comments